Kết quả Trận_rừng_Teutoburg

Trận rừng Teutoburg được xem là một cuộc mai phục quy mô lớn điển hình đã giành thắng lợi.[57] Velleius cho rằng, nguyên nhân của thảm bại là do Varus bất cẩn, Arminius xảo quyệt và địa thế bất lợi cho quân La Mã. Sử liệu của ông tương đối ngắn, có lẽ ông định viết về trận rừng Teutoburg trong một tác phẩm lớn hơn, song đoạn trích sau đây được xem là hấp dẫn:[50]

"Một đạo quân dũng cảm không ai sánh bằng, dẫn đầu các đạo quân La Mã về kỷ luật, năng lực, và kinh nghiệm chiến trường, do sự cẩu thả của vị tướng của họ, sự xảo trá của địch, và sự vô cảm của số mệnh bao quanh … Bị vây khốn trong rừng và các cuộc mai phục, nó gần như bị hủy diệt đến khi còn một người duy nhất do chính một kẻ thù mà nó thường chém giết như gia súc" – Velleius Parteculus 2.119.2

Theo tác phẩm "Tiểu sử 12 hoàng đế" (De vita Caesarum) của nhà sử học La Mã Suetonius, Augustus khi hay tin dữ về thảm họa Teutoburg đã ra lệnh quan sát nghiêm ngặt khắp Roma, để tránh sự hỗn loạn của thị dân thành phố này. Ông còn tổ chức lễ tế thần Jupiter với mong muốn thần sẽ khôi phục sự ổn định cho Nhà nước. Ngoài ra, người ta nói rằng, ông sửng sốt và gần như nổi điên đến mức xé nát hoàng bào,[16][19][40] đứng dựa đầu vào tường và liên tục gào thét:[15]

"Quintili Vare, legiones redde!" ('Quintilius Varus, hãy trả lại những quân đoàn cho ta !')

Ông nhận xét ngày lễ ấy là một ngày quốc tang.[16] Câu chuyện này đã nói lên rằng[19], thảm bại Teutoburg gây cho Augustus trở thành một nỗi ám ảnh đè nặng năm cuối đời của ông. Cũng theo Suetonius, do quá đau buồn, suốt nhiều tháng Hoàng đế không chịu cho ai cắt tóc cạo râu và trong những năm sau đó, người ta thỉnh thoảng vẫn nghe thấy ông rên rỉ đòi Varus trả lại binh sĩ cho mình. Và, trong suốt những năm sau đó, Hoàng đế luôn bảo trận Teutoburg là một thảm kịch bi thương của Đế quốc[16][40]. Theo Edward Gibbon, đó là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi mà vị hoàng đế khắc kỉ này đánh mất sự bình tĩnh thường thấy.

Sau thảm họa Teutoburg, Augustus cũng giải tán đội Vệ binh người German và Gallia của Hoàng đế La Mã do xem họ là những kẻ không đáng tin[17][18][58]. Ngoài ra, Suetonius kể lại rằng, La Mã thời Augustus có hai thất bại nặng nhất là của Marcus Lollius và Varus, đều là trong cuộc thôn tính miền Germania. Tuy nhiên, nếu thất bại của Lollius là một sự lăng nhục đối với La Mã, thì thảm kịch Teutoburg có hậu quả hết sức nghiêm trọng với cả ba Binh đoàn Lê dương La Mã đều tan tác và mọi tướng sĩ của họ đều bị xóa sổ[16]. Với thảm kịch này, đạo quân Hạ Germania của La Mã như thế là đã bị xóa sổ và sạch bóng khỏi lãnh thổ Germania và tham vọng của Hoàng đế Augustus đã chết trụi[14][19][20]. Ông không còn lực lượng trừ bị nào để che lấp cái lỗ hổng rõ rệt mà thảm họa Teutoburg đã gây nên[40]. Ba quân đoàn này vĩnh viễn[7] không bao giờ được xây dựng lại như các binh đoàn La Mã khác – một trường hợp đặc biệt hiếm gặp trong lịch sử quân sự La Mã, nó giống như là trường hợp của binh đoàn số 22 Deiotariana đã bị giải thể sau khi chịu thiệt hại quá nặng khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Bar Kokba (132-136) của người Do Thái. Số binh đoàn La Mã vì thế từ 28 sụt xuống còn 25.

Sử cũ chép lại nỗi kinh hoàng bao trùm Roma sau thất bại.[3] Thảm họa Teutoburg hay nói cách khách là "thảm họa Varus"[59] - là một vụ thảm sát đúng hơn là một trận thua[19] - đã chấm dứt thời kì bành trướng liên tục của La Mã trong giai đoạn trị vì của Augustus, và cũng là đỉnh cao thất bại của La Mã thời đó. Lúc bấy giờ, vị Hoàng đế già nua này cũng đã ngoài 70 tuổi.[20][60] Thực sự, sau thảm họa này ông không thể nào hồi phục và Đế chế La Mã không có cuộc binh đao lớn nào nữa cuối thời ông.[58] Như một biến động đặc biệt nguy hại cho La Mã, thảm họa Teutoburg đã nêu rõ sự yếu ớt của nền Thái bình La Mã (Pax Romana),[61] và gây nên nỗi lo của người La Mã là quân German sẽ tấn công Ý và bản thân Roma.[9] Tuy nhiên, phía La Mã không vì thế mà nhụt chí. Người con rể (và cũng là người kế vị) của ông, Tiberius, nhanh chóng xây dựng lại lực lượng nhằm bảo vệ biên cương cũng như để rửa mối hận Teutoburg. Các binh đoàn số 2 Augusta, số 20 Valeria Victrix và số 13 Gemina được điều tới vùng Rhine để thay thế cho các binh đoàn vừa bị tiêu diệt. Nhưng rồi, kết thúc của tất cả những sự kiện sau đó cho thấy quá trình Bắc tiến của người La Mã đã thực sự chấm dứt sau thảm bại Teutoburg.[18]

Đầu của Varus được tù trưởng Arminius đem tặng cho vua Marbod của người Markoman, một tộc người German hùng mạnh khác trong khu vực, nhằm thuyết phục Marbod cùng liên minh chống lại La Mã. Tuy nhiên Marbod từ chối, ông gửi đầu của Varus về La Mã để làm lễ mai táng và tiếp tục chính sách trung lập. Điều này làm Arminius không vừa lòng và hai thủ lĩnh German bùng nổ một cuộc chiến tranh sau đó.[62]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_rừng_Teutoburg http://www.ancientlibrary.com/smith-bio/1092.html http://www.ancientlibrary.com/smith-bio/3099.html http://www.britannica.com/EBchecked/topic/107997/C... http://www.clades-variana.com http://books.google.com/books?id=fqSWGm67D44C&pg=P... http://www.nujournal.com/page/content.detail/id/50... http://www.sacred-texts.com/cla/tac/a12020.htm http://www.smithsonianmag.com/history-archaeology/... http://www.unrv.com/provinces/germania.php http://www.youtube.com/watch?v=QHzMVQx4GMs